1. Tổng quan về nông nghiệp, hệ thống thủy lợi và cân đối nguồn nước
Hà Tĩnh có 130.116,91 ha đất sản xuất nông nghiệp , trong đó đất trồng cây hàng năm 89.438,38 ha, đất trồng cây lâu năm 40.678,5.
Tính đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được 345 hồ, đập chứa nước lớn nhỏ, 57 đập dâng, 381 trạm bơm, 6.920km kênh mương. Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Hà Tĩnh, đến năm 2020 tổng nhu cầu nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, cấp nước sinh hoạt và phát điện là 3,628 tỷ m3 nước/1năm, đến năm 2030 là 4,354 tỷ m3 nước/1 năm. Qua đó nguy cơ thiếu nước trong những năm tới rất có thể xảy ra nếu không có biện pháp kịp thời.
2. Về công tác triển khai các giải pháp công nghệ tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh
Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh xây dựng mới thêm 15 hồ chứa nước (10 hồ chứa đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng dung tích 60,67 triệu m3 và tiếp tục hoàn thành 05 hồ chứa có tổng dung tích 953,7 triệu m3 nước); nâng cấp sửa chữa được 78 hồ chứa đảm bảo an toàn; sửa chữa, làm mới được 58 trạm bơm, kiên cố hóa được 3.130/6.920km kênh mương các cấp, đảm bảo tưới tiết kiệm và an toàn nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng.
Về tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi: Đến nay Tỉnh đã phân cấp cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức đích thực quản lý, tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp quản lý thủy nông từ 7 doanh nghiệp thành 02 doanh nghiệp, từng bước kiện toàn các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi và nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý.
Kết quả các hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tưới ổn định cho hơn 51.000 ha lúa Đông Xuân, 42.000 ha lúa Hè Thu, 3.000 ha lúa Mùa, ngoài ra còn có nhiệm vụ cấp nước phục vụ công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.
Trước xu thế của Biến đổi khí hậu, các điều kiện về khí tượng, thủy văn có sự thay đổi, dẫn đến việc chủ động về nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó trước sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng nước không ngừng gia tăng. Đặc biệt là nhu cầu cấp nước cho các ngành công nghiệp và dịch vụ. Điển hình như khu công nghiệp Vũng Áng, theo quy hoạch đến năm 2020 nhu cầu nước phục vụ cho khu công nghiệp Vũng Áng là 1.005.000m3/(ngày đêm). Qua đó cho thấy nguy cơ thiếu nước trong những năm tới là rất cao nếu không có giải pháp kịp thời, trong đó tưới tiết kiệm là một biện pháp tất yếu cần phải sớm được triển khai.
Trong những năm qua, việc áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bước đầu áp dụng đã mang lại những hiệu quả nhất định; năm 2007, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Quốc gia, Trung tâm khuyến nông – khuyến lâm Hà Tĩnh, Hà Tĩnh đã xây dựng được các hệ thống tưới tiết kiệm nước bằng biện pháp tưới phun mưa cho cây chè và cây ăn quả tại các xã Sơn Trường (huyện Hương Sơn), Hương Trà (huyện Hương Khê), Hương Minh (huyện Vũ Quang) và xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh), tuy nhiên hiệu quả chưa cao.
Năm 2013, Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng khu thực nghiệm mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển tại xã Thạch Văn huyện Thạch Hà, trong đó về cấp nước đã hoàn toàn áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm công nghệ cao, mô hình đã có hiệu quả bước đầu và đang từng bước được đánh giá để nhân rộng tại các huyện ven biển của tỉnh như: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân và Kỳ Anh.
3. Kết quả thực hiện mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh
Thực hiện “Đế án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới”, để phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng “Quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020” nhằm giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, với mục tiêu từng bước hướng tới sản xuất theo hướng thâm canh, có lượng sản phẩm lớn, năng suất, chất lượng, giá trị cao, tạo thành chuỗi từ sản xuất đến chế biến có tính ổn định, bền vững; Trước mắt dự án đã triển khai tại khu mô hình xã thạch Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh với các nội dung như sau:
1. Quy mô, địa điểm và tổ chức thực hiện:
- Về quy mô, địa điểm thực hiện dự án: Dự án thí điểm trên 12ha đất cát hoang hóa tại thôn Tân An, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó có 8 ha đất sản xuất và 4ha đất phục vụ cơ sở hạ tầng và tổ chức quản lý.
- Tổ chức thực hiện: Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Tổng Công ty Khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh Mitraco thực hiện dự án, là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Việc thực hiện mô hình được sự hỗ trợ của các chuyên gia người Trung Quốc; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia cử 8 kỹ sư nông nghiệp phối hợp với chủ đầu tư thực hiện dự án, chịu trách nhiệm về khâu kỹ thuật, chất lượng.
2. Về giải pháp tưới:
Dự án sử dụng nguồn nước ngầm tại vị trí thực hiện dự án bằng cách đào các hố thu nước ngầm có kích thước 40x50x2,5 có dung tích tương đương 5.000m3 phục vụ tưới cho 1 modul là 3ha. Sử dụng kỷ thuật tưới phun mưa, phun sương và tưới nhỏ giọt. Trong đó đường kính ống dẫn là 110mm, hệ thống ống phun có đường kính 50mm, có chiều cao 1,1m. Hệ thống ống phun được thiết kế theo ô bàn cờ, khoảng cách giữa các ống là 8,0m (bán kính hoạt động 4m). Sử dụng máy bơm lưu lượng Q= 100m3/h, cột nước thiết kế H = 50m phục vụ tương ứng cho 1 modul 3ha diện tích canh tác. (toàn dự án hiện đang sử dụng 3 máy bơm phục vụ cho 8 ha). Công nghệ do tỉnh Dongsan Trung Quốc cung cấp. Về tưới, tùy từng loại rau, quả sẻ áp dụng tưới phun mưa, hoặc phun sương hoặc nhỏ dọt, song tất cả đều được kiểm soát mức độ thời gian và lượng nước tưới đảm bảo khoa học phù hợp nhu cầu phát triển của cây trồng.3. Kết quả sản thực nghiệm và hiệu quả bước đầu:
- Kết quả sản xuất: Sau 9 tháng triển khai thực hiện thử nghiệm, đến nay dự án đã triển khai trồng thủ nghiệm được gần 35 loại cây rau, củ, quả trong vụ Đông năm 2013 và vụ Hè Thu 2014, với diện tích 8ha. Một số loại rau, củ, quả đã khẳng định được tính thích ứng, phù hợp và cho năng suất khá cao như: Măng tây, củ cải trắng loại nhỏ, củ cải trắng loại lớn, cải bẹ nhỏ, cải thảo, cà rốt, dưa chuột, mướp đắng, cà chua, bí xanh, ớt cay rau… Năng suất một số sản phẩm trên 1 vụ sản xuất như sau: Củ cải trắng nhỏ 20-30 tấn/1ha; củ cải trắng nhỏ lớn 45-50 tấn/1ha; cải bẹ 30-35 tấn/1ha; Cải thảo 26-30 tấn/1ha; Cà rốt 10-11 tấn/1ha; Cải bắp 20-25 tấn/1ha; Cà chua 35-40 tấn/1ha; Dưa chuột 35-40 tấn/1ha; Bí xanh 40-45 tấn/1ha; Mướp đắng 12-15 tấn/1ha.
- Về hiệu quả kinh tế: Qua kết quả đánh giá bước đầu cho thấy, trừ các chi phí đầu tư, lợi nhuận trung bình tính cho 1 vụ sản xuất có thể đạt từ 60-100 triệu đồng/ha/vụ tùy thuộc vào loại cây trồng và mùa vụ sản xuất.
- Về lượng nước sử dụng rất tiết kiệm: Việc tưới nước sử dụng hình thức tưới phun mưa và nhỏ giọt, tuy chưa có đánh giá cụ thể về lượng nước tưới cho từng loại cây trồng nhưng qua đánh giá sơ bộ đã giảm được sự thất thoát lãng phí nguồn nước và chủ động về lượng nước và thời gian tưới cho từng loại cây trồng, kiểm soát được mức nước đáp ứng yêu cầu cho từng thời đoạn sinh trưởng của từng loại cây trồng; nhất là trong điều kiện ngày càng khan hiếm về nguồn nước thì tại vùng cát hoang hóa ven biển đang hoàn toàn sử dụng nguồn nước ngầm khai thác tại chổ, chi phí đầu tư rất thấp và tiết kiệm được nguồn nước từ các hồ chứa để phục vụ cho các nhu cầu nước khác.
4. Chính sách hỗ trợ dự án:
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/01/2014 về việc quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, tiên phong đi đầu triển khai thực hiện mô hình cải tạo đất hoang hóa, bạc màu tại các xã ven biển để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh rau, củ, quả công nghệ cao; Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quy định (kèm theo Quyết định số 90/2014/NQ-HĐND) về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn với.
Theo đó dự án được hỗ trợ: 100% giống, phân bón; hỗ trợ một phần chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất; hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và đầu tư xây dựng các hạng mục ngoài hàng rào theo các cơ chế hiện hành của tỉnh và lồng ghép các chương trình dự án khác, hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn VietGap...
4. Triển vọng khả năng nhân rộng mô hình của dự án
Qua kết quả bước đầu triển khai dự án, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển Hà Tĩnh đến năm 2020 tại Quyết định số 1742/QĐ-UBND ngày 20/6/2014; theo kế hoạch sẽ hình thành vùng sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao với diện tích 684ha, giá trị sản xuất đạt 230 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 6 triệu USD/1 năm. Dự án sẽ được mở rộng trên các vùng đất bạc màu ven biển có điều kiện tương đồng với vùng thử nghiệm dự án tại xã Thạch Văn ở các địa phương như: Huyện Thạch Hà, huyện Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên và huyện Nghi Xuân. Đồng thời dự án sẽ được mở rộng trên các vùng đất bãi bồi ven sông thuộc các huyện Hương Sơn, Vũ Quang và Đức Thọ. Trong năm 2014, kế hoạch tỉnh sẽ thực hiện dự án sản xuất trên khoảng 211 ha đất cát bạc màu ven biển, đến năm 2020 sẽ mở rộng vùng sản xuất đạt 684ha trên toàn tỉnh.
5. Một số đề xuất
Trong xu thế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bất lợi, nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên, thảm phủ trên các lưu vực sông, hồ ngày càng giảm, hạn hán xuất hiện ngày càng gay gắt hơn, nguồn nước mặt về mùa khô ngày càng cạn kiệt, trong khi đó nhu cầu sử dụng nước ngọt ngày càng gia tăng, đối với tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp lớn như Hà Tĩnh việc sử dụng nước ngọt tưới cho nông nghiệp là rất lớn vì vậy việc áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm là hết sức cần thiết và cần phải triển khai sớm. Để tiếp cận với các công nghệ tưới tiên tiến, kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy lợi giúp đỡ hướng dẫn về mặt kỹ thuật và công nghệ tiết tiết kiệm tiên tiến hiện nay để tỉnh có điều kiện tiếp cận và đưa vào sử dụng.
Trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn rất hạn chế, kính đề nghị Bộ Nộng nghiệp và PTNT xem xét trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ để giúp Hà Tĩnh có điều kiện triển khai xây dựng các hệ thống tưới tiết kiệm, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình đầu mối đảm bảo an toàn và cấp nước tưới ổn định nhằm vừa phát triển nền nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị vừa ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự khan hiếm nước ngọt đang ngày càng gia tăng./.